TRANG

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Điều Quý Nhất Bạn Có Thể Tặng Cho Con Cái

Trong những điều các bậc cha mẹ có thể làm cho con cái của mình, như dạy dỗ, làm gương, dành thời giờ ở bên cạnh con, ra sức làm việc để có phương tiện cho con cái tiến bộ trong việc học hành, điều gì theo quý vị là quý nhất mà các bậc cha mẹ có thể tặng cho con cái?

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi xin gởi đến quý vị lời tâm sự của ông Mitch Temple, một cố vấn về hôn nhân và gia đình, đồng thời cũng là một người cha trong gia đình với ba đứa con. Mitch Temple tâm sự như sau:
Điều đầu tiên tôi muốn nói là, mặc dù là một nhà cố vấn về gia đình và hôn nhân và đã từng giúp đỡ nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn trong vấn đề nuôi dạy con cái, và mặc dù là cha của ba đứa con còn ở tuổi niên thiếu và nhà tôi là một người mẹ thật xuất sắc, tôi thú nhận rằng tôi không có tất cả mọi câu trả lời khi đụng đến chuyện nuôi dạy con cái. Hồi đó, tôi và nhà tôi nghĩ rằng chúng tôi có mọi câu trả lời và sẵn sàng cho mọi tình huống, nhưng khi con chúng tôi bước qua tuổi thiếu niên, tôi nhớ lại lời khuyên của Mark Twain như thế này: “Khi con nít tới tuổi dậy thì, cách hay nhất là nhét nó vào một cái thùng, đóng đinh cái nắp lại, chỉ khoét một lỗ nhỏ cho nó thở thôi. Khi nó đến tuổi 16, thì lấp luôn cái lỗ này cho chắc ăn!”

Mặc dù không ai mất trí đến nỗi làm theo như lời khuyên trên, nhưng nhiều bậc cha mẹ ít nhiều cũng suy nghĩ về phương diện triết lý của lời khuyên này. Khi bàn về vấn đề nuôi dạy con cái trong tuổi thiếu niên, tức là lứa tuổi từ 12 trở lên, tất cả chúng ta đều rơi vào một sự bối rối như nhau: chúng ta tự hỏi mình rằng chúng ta đã có quyết định điều này, điều nọ có là điều tốt nhất cho chúng không và chúng ta có làm đủ để giúp chúng nó chưa.

Trong tất cả các lời khuyên mà tôi đã dặn dò các bậc cha mẹ qua những năm tháng làm công việc tư vấn, điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể cho con cái được, theo tôi nghĩ là điều sau đây: Điều quan trọng nhất quý vị có thể tặng cho con cái mình, khi con mình đang sắp bước vào tuổi dậy thì, hay đang ở trong lứa tuổi này, hay dầu đã qua tuổi dậy thì, điều quý nhất không phải là lời khuyên, hay thi hành kỷ luật thật hoàn hảo, hay quý vị giữ vững lập trường từ trước đến giờ, cũng không phải là chuyện quý vị làm bạn gần gũi với chúng nó, hay quý vị xếp đặt một trật tự thật lớp lang trong gia đình. Điều quý nhất mà quý vị có thể tặng cho con cái mình là một sự bảo đảm thật vững chắc và kiên định rằng quý vị yêu thương người vợ hay chồng của quý vị và tình yêu này là chắc chắn không có thể nghi ngờ gì được. Cha và mẹ cứ nên nhắn nhủ với con cái với sứ điệp rằng “mặc dù ba mẹ không phải là hoàn hảo, thỉnh thoảng cũng có cãi lẫy, giận hờn với nhau, nhưng ba mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh nhau và bên cạnh các con”.

Trẻ con ngày nay đang sống trong một thế giới đầy biến động và bất an. Các nhà xã hội học cho biết nỗi lo sợ của các em ngày càng gia tăng, gây ra những biến chứng trong cách cư xử của các em, bệnh trầm cảm và các rối loạn tinh thần. Một trong các mối lo sợ lớn nhất của các em ở lứa tuổi đi học là sợ cha mẹ chúng ly dị. Nhiều em thường xuyên phải nghe các tin đau lòng rằng cha mẹ của bạn mình trong lớp đang chia tay, rằng thần tượng điện ảnh này của các em đang ra tòa xin ly dị, và các em vô cùng hoang mang không biết chừng nào đến phiên cha mẹ mình sẽ chia ly. Nhiều em mắc phải sự lo âu thấp thỏm mỗi ngày, không biết chừng nào cái tin sét đánh này xảy đến cho cuộc đời của chúng nó.

Sống trong một thế giới bất an như vậy, con của quý vị cần biết cha mẹ chúng yêu thương nhau và tận hiến cho nhau một cách lâu dài. Con cái quý vị cần biết cha mẹ chúng nó sẽ gắn bó với nhau, dầu phải bước đi trong những sự thử thách. Và khi quý vị đối diện với những nan đề mà quý vị không vượt qua được bởi sức riêng của mình, hãy nhờ những người chuyên môn giúp đỡ cho quý vị. Xin hãy nhớ rằng tình yêu không phải chỉ là những cảm xúc, nhưng tình yêu là một sự lựa chọn và tận hiến. Nếu quý vị không còn cảm thấy sự nồng ấm trong tình vợ chồng nữa, xin hãy suy nghĩ đến điều này: Nhiều cặp vợ chồng không còn cái cảm giác rạo rực yêu đương như ngày nào mới yêu nhau, là bởi vì đã từ lâu họ đã tự động chấm dứt hành động và suy nghĩ là họ đang yêu nhau. Hãy xét đến điều này. Quý vị làm bạn với một người bằng cách tỏ ra những cử chỉ thân thiện với người đó. Quý vị cảm thấy thân mật với bạn của mình khi cả đôi bên đối xử thân mật với nhau như bè bạn. Tình bạn càng ngày càng sâu đậm bởi những đối xử và cử chỉ thân thiện và và hết lòng cho nhau trong tình bạn. Chân lý này cũng y hệt như vậy trong hôn nhân. Nếu quý vị không còn thấy mình đang yêu hay đang được yêu nữa, có thể là bởi vì đã từ lâu quý vị không còn cảm nghĩ hay hành động như mình đang yêu hay được yêu. Thông thường, cảm giác yêu đương sẽ trở lại khi quý vị bắt đầu hành động là mình đang trong tình yêu. Hành động sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc. Những suy nghĩ ảnh hưởng đến cảm xúc. Thay đổi trong cách suy nghĩ và hành động sẽ thay đổi những xúc cảm của quý vị. Một suy nghĩ đúng đắn cộng với hành động đúng đắn sẽ đem đến những xúc cảm tuyệt vời.

Hãy nhớ lại ngày nào vợ chồng mới yêu nhau tha thiết như thi sĩ Hồ Dzếnh diễn tả “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Ngàn năm hồ dễ đã ai quên”. Trong những ngày tình yêu “vừa mới lên ngôi’, có lẽ quý vị lợi dụng mọi cơ hội để tỏ tình với người mình yêu, chỉ tập trung vào những ưu điểm của chàng hay nàng, cái gì cũng ưu tiên cho người yêu trước, xí xóa hết những lỗi lầm và miệng lúc nào cũng “xin lỗi, xin phải” mặc dù trong thâm tâm quý vị biết rằng mình chẳng có lỗi phải chi hết ráo trọi. Qua những tháng năm chung sống với nhau trong hôn nhân, người vợ hay chồng dường như quên đi những kiểu cách, cử chỉ họ làm khi còn đang trong thời kỳ hẹn hò hay tán tỉnh. Nếu hôn nhân của quý vị đang ở trong một tình trạng nguội lạnh như vậy, xin hãy nhớ rằng quý vị có thể sưởi ấm nó trở lại như ngày nào. Quý vị nên tìm đọc cho được quyển sách cố vấn hôn nhân nổi tiếng “The Five Love Languages”, được Văn Phẩm Nguồn Sống chuyển dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Năm Ngôn Ngữ Tình Yêu” và thực hành theo lời khuyên của tiến sĩ Gary Chapman, để khám phá ra ngôn ngữ yêu thương chính của người phối ngẫu của quý vị là gì, hầu cho quý vị có thể đáp ứng trọn vẹn nhu cầu tình cảm của người vợ hay chồng của quý vị. 

Hầu như các trận chiến trong hôn nhân bắt đầu từ những trận chiến trong suy nghĩ của chúng ta. Khi một người quyết định rằng hôn nhân là quý giá, đáng giữ gìn, đáng để ra sức xây đắp, hâm nóng, tái tạo, thì sự thay đổi sẽ xảy đến. Quý vị chỉ có thể làm cho hôn nhân của quý vị được thay đổi, sinh động và mạnh mẽ khi quý vị ra sức và dấn thân để làm cho nó được tốt đẹp hơn, thậm chí khi người vợ hay chồng quý vị chưa quyết tâm và dấn thân như chính quý vị. Một trong trách nhiệm và nghĩa vụ của hôn nhân là tận hiến cho nhau đến trọn đời, như trong hôn lễ, đôi vợ chồng đã long trọng kết ước với nhau: “Dầu trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, dầu giàu có hay khó nghèo, dầu đau ốm hay mạnh khỏe, cho đến khi sự chết chia lìa đôi ta”. Và con cái của quý vị muốn biết chắc là quý vị đang làm theo lời kết ước này một cách son sắt, một cách thủy chung.

Do vậy, thay vì cho con cái mình những món đồ đắt tiền, mà các nhà quảng cáo dụ dỗ là chúng phải có, hãy cho chúng nó điều mà mỗi em thật sự cần đến: đó là sự bảo đảm rằng ba và mẹ sẽ ở bên nhau suốt đời. Hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để đem lại sự nồng nấm trong tình vợ chồng và cũng là sự an ninh và nương tựa cho con cái của quý vị. Hãy làm bất cứ điều gì như bỏ qua tự ái, học hỏi, tìm hiểu, tìm kiếm sự giúp đỡ vv. để vợ chồng chung sống với nhau cách hạnh phúc và lâu dài. Con cái sẽ quý mến và cảm ơn quý vị vì ba mẹ luôn bên nhau và bên cạnh chúng, làm nơi nương tựa vững chắc trong mọi mặt cho cuộc đời chúng nó.
 (Theo Mitch Temple )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét