Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Rèn chữ viết cho trẻ như thế nào?

Rèn chữ viết cho con khi vào lớp 1 là chuyện đau đầu của đa số bà mẹ thời hiện đại. Thông thường, các bà mẹ chọn giao phó trách nhiệm này cho các cô giáo hoặc gửi con vào “lò luyện chữ”. Thế nhưng ít ai biết rằng chính mình cũng có thể giúp con rèn luyện kỹ năng viết ngay từ thuở lên hai lên ba nếu thực hiện đúng phương pháp.
Trước tiên hãy nắm rõ những khả năng của bé theo từng độ tuổi:
  • 2 tuổi: bé có thể vẽ những nét thẳng (ngang, dọc)
  • 3 tuổi: bé có thể vẽ nét thẳng (ngang, dọc, xiên), zíc-zắc, nét cong
  • 4-5 tuổi: bé có thể bắt đầu viết chữ
Những bài tập giúp phát triển các cơ tinh và các giác quan của bé
Để viết được thì các cơ trên bàn tay của bé phải đủ cứng cáp, khéo léo và chính xác. Khi được 18 tháng tuổi, các bé đều biết điều khiển các cơ tay để nắm, chộp, cầm đồ vật. Đến lúc này, ta có thể bắt đầu “luyện” cho bé được rồi đấy. Hãy biến những bài tập thành những trò chơi thú vị, vừa học vừa chơi, cả mẹ và con cùng tham gia.
  • Đồng xu hoặc nút áo: tập cho bé dùng tay nhặt đồng xu hoặc nút áo (luôn canh chừng cẩn thận, không để bé cho vào miệng, mũi, tai…). Bài tập này rèn luyện cho bé cách phối hợp tay và mắt.
  • Cây nhíp: tập cho bé dùng nhíp kẹp và gắp đồ vật. Bài tập này giúp luyện các cơ ngón tay.
  • Đất sét: cho bé nhào, vo tròn hoặc nặn ra bất kỳ hình thù nào.
  • Giấy: cho bé xé giấy bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ (xé thành từng sợi, hay xé thành hình tròn), vò giấy bằng cả bàn tay.
  • Bình xịt nước: chỉ cho bé cách bóp vào vòi xịt nước. Bài tập này giúp tập luyện các cơ bàn tay, cổ tay và ngón tay.
  • Tắm: cho bé vào chậu nước, tập cho bé cách vốc nước bằng tay, hoặc đổ nước vào ca, phễu, chai, lọ…
  • Ngón tay: tập cho bé giơ ngón tay đếm số (1-10), tạo thành chữ O (bằng ngón cái và ngón trỏ)
Những bài tập luyện kỹ năng viết
Hãy bắt đầu từ những bước luyện tập từ dễ tới khó.
  • Nét và hình cơ bản: Bắt đầu tập cho bé vẽ những nét cơ bản: nét ngang, dọc, xiên, cong, hình tròn, hình tam giác, hình vuông. Chú ý nên cho bé vẽ bằng bút sáp, có thể bẻ đôi cây bút sáp cho bé cầm vừa tay. Thậm chí có thể cho bé vẽ bằng tay lên cát, mặt kính mờ hơi nước, bánh kem…để bé có thể cảm nhận được nhiều loại chất liệu khác nhau.
  • Tô màu: Khi tay bé bắt đầu dần quen với cách cầm bút thì chuyển sang cho bé tô màu trên những hình vẽ. Nên từ từ hướng dẫn cho bé cách tô sao cho đều, không bị lem…
  • Mê cung: Trò chơi mê cung giúp bé học cách điều khiển các ngón tay và phát triển độ rắn chắn và cân bằng của các cơ, phối hợp mắt-tay. Ngoài ra trò chơi này còn giúp tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề, tập trẻ tính kiên nhẫn, rèn luuyện trí nhớ, sự tập trung và phát triển tư duy.
  • Trò chơi nối chấm tròn theo số: Trò chơi này là cách tuyệt vời giúp bé học cách đếm số, nhận biết hình dạng thật nhanh. Ngoài ra, nó còn giúp phát triển khả năng phối hợp mắt-tay, rèn luyện cơ tinh, khả năng tập trung và tính nhẫn nại.

Những lưu ý khi dạy bé tập viết
  • Thời gian đầu mới tập, bé có thể cảm thấy chán nản vì không làm được. Nên động viên, khuyến khích và giúp đỡ bé. Tuyệt đối không nên “giành làm” với bé, mà chỉ hỗ trợ bé những lúc bé gặp khó khăn.
  • Nên chọn thời điểm bé cảm thấy thoải mái nhất trong ngày để tập. Tạo không khí vui tươi (cho bé nghe nhạc hoặc vừa chơi vừa hát cùng nhau)
  • Không nên quá gò ép bé phải tập viết trong khi bé không thích. Nếu bé chán, nên cho bé nghỉ ngơi.
  • Khi bé hoàn thành tốt “nhiệm vụ” cần khen ngợi, cổ vũ, và thưởng cho bé những món quà (nên chọn quà là những món giúp ích cho việc học của bé)
Những bài tập trên tuy rất đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng to lớn. Vậy sao bố mẹ không bắt tay vào tập cho các bé nhà mình ngay từ hôm nay. Chúc các bố mẹ thành công!
MarryBABY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét