Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Hồ đào nhục phục vụ người cao tuổi

Càng lớn tuổi, hầu hết các cụ đều cảm thấy sức khỏe ngày càng xuống dốc, bệnh về tim mạch, thận, hô hấp… xuất hiện. Tuy nhiên, nếu biết phối hợp một số món ăn – bài thuốc có thể giúp sức khỏe các cụ khả quan hơn. Một trong những “trợ thủ” đó là vị hồ đào nhục.
Hồ đào hay hạnh đào có tên khoa học là Juglans regia, họ hồ đào (Juglandaceae); còn gọi là cây óc chó. Cây hồ đào cho những vị thuốc sau đây: lá, vỏ quả (hồ đào xác, thanh long y); hạt còn vỏ cứng (hạch đào); màng mềm giữa vỏ và nhân hạt (phân tâm mộc); nhân hạt (hồ đào nhân, hạnh đào nhân).

Bồi bổ cơ thể - cải lão hoàn đồng: hạnh đào chứa 16% protein, 63,9% chất béo, các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần như: vitamin A, vitamin B, vitamin E, vitamin PP và các nguyên tố vi lượng như: canxi, phốt pho, sắt, kẽm, magiê, crôm. Trong hồ đào rất giàu chất acid béo Omega-3, chất chống oxy hóa… rất tốt đối với sức khỏe của những bệnh nhân mắc các bệnh xơ cứng động mạch, tim, não… Dân gian thường nói ăn hồ đào có thể cải lão hoàn đồng, vì vậy hồ đào được coi là thức ăn kéo dài tuổi thọ, bồi bổ sức khỏe lý tưởng nhất, còn được gọi là quả trường thọ.
Hải Thượng Lãn Ông, trong Dược phẩm vựng yếu, đã nhận định về hồ đào như sau: “Có vị ngọt khí nóng không độc, ăn luôn thì mạnh khỏe, tóc đen dài…”.
Tim mạch: 100g hồ đào nhân sinh 642 calori, có 14g protein, 62g chất béo. Nếu tính ra calori, 8% do chất béo bão hòa, 55% do chất béo chưa no nhiều nối đôi, 20% do chất béo một nối đôi. Như vậy chất béo cuả hồ đào nhân tương đối tốt, gần bằng dầu hướng dương.
Ăn quả hồ đào có thể cải thiện chức năng não, phòng trị xơ cứng mạch máu não, có thể bổ não dưỡng sinh, acid béo không bão hòa nhiều giá trị chứa trong quả hạch đào còn có tác dụng giảm cholesterol.
Trong hồ đào còn chứa nhiều nguyên tố vi lượng như: canxi, magiê, crôm, những chất này tham gia vào nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Canxi có tác dụng đối kháng cadmin chất gây nên cao huyết áp. Crôm có thể xúc tiến việc lợi dụng đường glucô và bài tiết cholesterol, bảo vệ tim mạch. Crôm và magiê còn có tác dụng tăng cường chức năng của cơ tim. Vì vậy, nếu mỗi ngày ăn mấy quả hồ đào có thể cải thiện tình trạng tim mạch, có tác dụng rất tốt đối với việc phòng trị bệnh tim mạch như chứng xơ cứng động mạch.
Theo thử nghiệm, dùng liên tục mỗi ngày 3 quả hồ đào, sẽ giảm được 50mg cholesterol, người bị bệnh vành tim sẽ giảm được nguy hiểm.
Hô hấp: hồ đào vị ngọt tính ôn, có tác dụng bổ phế thận vì vậy được dùng để trị chứng ho suyễn do thận hư. Thực nghiệm dược lý chứng minh rằng, hồ đào có tác dụng bình suyễn giảm ho. Những người bị chứng hư ho suyễn, kiên trì ăn mỗi ngày mấy quả hạnh đào sẽ khỏi dần.
Người già ho, thở dốc do sưng phổi, viêm khí quản mạn tính, ăn hồ đào vào sáng sớm mỗi ngày sẽ có tác dụng bổ thận nạp khí, bồi phục sức khỏe. Người ho suyễn có đờm vướng bên trong cổ thì có thể dùng 30g hồ đào, phối hợp với 30g hạnh nhân, 30g gừng tươi, nghiền nát từng thứ thành bột, cho thêm ít mật ong, trộn đều, mỗi ngày ăn 6g trước khi đi ngủ, uống với nước gừng tươi.
Hoặc lấy hồ đào 150g, 2 quả trứng và 150g rau sống kết hợp với thịt vịt, nấu canh ăn. Dùng để trị chứng ho suyễn kèm theo chứng lưng gối lạnh, đau, tiểu nhiều lần, tinh thần mệt mỏi, rất hiệu nghiệm.
Người già ho suyễn do phế hư, có thể lấy vừng, quả hồ đào, hai thứ này với lượng bằng nhau và bột tắc kè bằng 1/3 lượng vừng, đem nghiền tất cả thành bột, trộn đều, mỗi lần uống 1 thìa với nước sôi, ngày 3 lần.
Tiêu hóa: những người mắc các chứng bệnh như bệnh van tim, cao huyết áp, mỡ máu cao, hoặc người già đại tiện táo, dùng 15g hồ đào, 5g sơn tra, 20g đường cát nấu thành dạng chè ăn, rất tốt. Quả hồ đào ích phế bổ thận, làm vững tinh thần, nhuận tràng, trị ho bình suyễn; sơn tra tiêu thực kiện tỳ, trừ ứ đọng, sản sinh mới. Dùng kết hợp hai vị, chế thành chè để uống, vị ngọt chua ngon miệng, mùi vị thơm ngon, có tác dụng bổ dưỡng phế thận, nhuận tràng táo, hỗ trợ tiêu hóa và sản sinh tân dịch.
Trị chứng mất ngủ: sách Bản thảo cương mục có ghi: “Có một người tên là Hồng Mại mắc bệnh hen suyễn, đêm ngủ không ngon giấc, ông này tìm ra một bài thuốc: trước khi đi ngủ, lấy quả hồ đào, đập nát, cắn ăn, rồi nhai 3 lát gừng tươi, sau đó uống mấy ngụm nước, rồi lại tiếp tục ăn hồ đào, gừng tươi với số lượng như lần trước. Sau đó đi ngủ, thì ông ngủ rất ngon giấc, hôm sau tỉnh dậy thì bệnh hen suyễn cũng đã cao chạy xa bay”.
Quả hồ đào dễ kiếm và rất dễ ăn, người già cơ thể suy nhược hoặc những người sau khi ốm dậy, dịch hư tổn mất ngủ thì nên ăn.
Khi ăn hồ đào cần chú ý: người nào có hàn đờm ứ trệ không nên ăn gừng sống mà phải sắc lấy nước, sau khi ăn hồ đào xong thì uống. Nếu đờm màu vàng, miệng khô, táo bón thì không ăn gừng mà có thể dùng 15g ý dĩ, 30g rễ lau, sắc lên uống.
Trị chứng đau lưng:
- Lấy 2kg hồ đào, 500g đường đỏ. Trộn đều hai thứ rồi đổ rượu vàng vừa đủ vào ngâm 10 ngày thì dùng được. Mỗi ngày ăn 3 quả hồ đào và uống 50ml rượu. Những người đau lưng thuộc tính hư hàn, đau lưng sợ lạnh và thích xoa bóp, đau nhiều khi bị lạnh, uống rượu này sẽ rất hiệu nghiệm.
- Lấy 1 bộ cật heo, 9g hồ đào, nấu chín, chia làm 2 lần ăn. Cách này vừa có thể trị bệnh đau lưng tính hàn hư, còn có thể dùng để trị chứng đái dầm ở trẻ nhỏ.
- Lấy 1 bộ cật heo, bổ đôi, bỏ gân trắng, rửa sạch, thêm 15g hồ đào, 10g sơn thù du, vào trong cật heo rồi ép chặt lại, đun chín, ăn món này có tác dụng bổ thận tráng lưng, cố tinh, giảm đi tiểu, phù hợp với những người thận hư lưng đau nhức, đầu gối đau, bàn chân tê mỏi, di tinh, đi tiểu đêm.
- Lấy 500g hồ đào, nghiền nát, 250g bổ cốt chỉ, cho rượu vàng vào hấp lên, rồi đem phơi khô, nghiền thành bột, trộn đều hai thứ, cho thêm mật ong vào trộn đều. Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần lấy 1 thìa, uống với nước ấm. Bổ cốt chỉ là vị thuốc bổ thận có tác dụng bổ gân cốt, chống đau lưng mỏi gối. Nếu dùng kết hợp với hồ đào thì tác dụng càng cao.
Trị bệnh liệt dương - đau lưng: 150g hồ đào, 50g nhộng tằm, đường phèn vừa đủ. Đem hồ đào rang lên, bỏ vỏ, nhộng tằm đun nhỏ lửa xào qua, cho hai thứ vào bát hấp, bỏ đường phèn và một ít nước vào, sau đó đem hấp cách thủy 2 tiếng là được. Chia làm 2 ngày ăn trước khi ăn cơm.
Nhộng tằm rất giàu prôtêin, chất béo, cholesterol, vitamin, vitamin PP. Nhộng tằm là thức ăn giàu dinh dưỡng hàm lượng albumin cao, nhiều chất béo, có tác dụng ích tinh tráng dương. Nếu ninh với hồ đào bổ thận tráng dương, ăn vào sẽ làm ôn dương, bổ hư, tăng cường sinh lực, phù hợp với những người đau lưng chân mỏi, liệt dương di tinh, đại tiện táo.
Những người bị đau lưng, tê mỏi chân, chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, hay quên, và mắc chứng tiểu nhiều nên dùng 15g hồ đào, 12g đỗ trọng, 10g bổ cốt chỉ. Nấu, bỏ bã lấy nước uống. Đỗ trọng, bổ cốt chỉ đều là vị thuốc bổ thận. Hồ đào cũng bổ thận. Dùng kết hợp 3 thứ sẽ có tác dụng bổ dưỡng gan thận, tăng cường trí tuệ, sinh lực.
Trị bệnh liệt dương: 250g hồ đào, 10 con tôm tươi to, rau sống, lòng trắng trứng gà, dầu ăn, rượu vang, muối tinh, đường trắng, gia vị vừa đủ, nấu ăn.
Hồ đào vị ngọt tính ôn, có tác dụng bổ thận chống đau lưng mỏi gối, tôm bổ thận tráng dương, là thực phẩm phòng trị bệnh thận hư nội hàn, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm. Hồ đào dùng kết hợp với tôm thì càng hiệu nghiệm, ăn thường xuyên sẽ trị được bệnh liệt dương.
Cố tinh: Chè hồ đào, câu kỷ, hạt sen, củ sen, đại táo. Chè này bổ thận sáp tinh, chống di hoạt tinh.
Tiền liệt tuyến: các cụ ông càng lớn tuổi, càng dễ bị chứng rối loạn tiền liệt tuyến như phì đại, u xơ, ung thư tiền liệt tuyến. Học viện Davis, Đại học California, Mỹ, cho chuột mang khối u tiền liệt tuyến trong người dùng hàng ngày, vào khoảng 68g hồ đào nhục. Sau 18 tuần thực nghiệm, so với những con chuột không ăn hồ đào, tốc độ phát triển của những khối u trong người những con chuột này giảm xuống 30 - 40%.
Tuy nhiên, nhận định của Paul Davis, người phụ trách đề tài nghiên cứu này còn cho thấy: “Không chỉ làm nhỏ hoặc giảm tốc độ sinh trưởng của khối u tiền liệt tuyến trong cơ thể các con chuột thử nghiệm, mà một loại mức độ protein có liên quan mật thiết đến ung thư tiền liệt tuyến trong máu của chúng cũng có dấu hiệu giảm xuống rõ rệt. Vì vậy, kết quả nghiên cứu này rất có khả năng có thể áp dụng trên con người”.
Chú ý: Tránh dùng nếu không thuộc chứng hư hàn. Phế nhiệt đờm, mệnh môn hỏa cấm dùng. Hồ đào nhân để lâu hoặc nấu nóng quá có mùi ôi khó chịu.
Phụ nữ cho con bú tránh dùng (vì tắt sữa). Hồ đào nhân có vị ngọt, tính ôn. Làm thuốc bổ nhưng dùng nhiều có độc; do đó không dùng mình nó mà thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Lương y HOÀNG DUY TÂN (báo sức khỏe và đời sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét